Bạn tình điều trị HIV, quan hệ không an toàn có lây bệnh?
– Bạn tình mắc HIV, đang điều trị bằng thuốc thì có khả năng lây nhiễm không khi quan hệ tình dục không an toàn?
Đây là băn khoăn của rất nhiều người, tuy nhiên kết quả nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ mới đây đã đập tan lo lắng.
Chia sẻ với báo chí sáng nay, TS John Bandford, Giám đốc Chương trình HIV và Lao, Văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam cho biết, CDC đã thực hiện 3 nghiên cứu trong 10 năm, từ 2005-2015 với gần 1.800 cặp bạn tình dị nhiễm (1 người nhiễm HIV) mà không dùng bao cao su hay thuốc dự phòng.
Nghiên cứu được thực hiện tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ, trong đó 97% quan hệ tình dục khác giới, còn lại là cặp đồng tính nam.
Kết quả, nếu bạn tình nhiễm HIV nhưng được điều trị thuôc ARV đạt mức ức chế (tải lượng HIV dưới 200 bản sao virus/ml máu hoặc không phát hiện được) thì không có khả năng lây truyền bệnh ngay cả khi quan hệ không an toàn.
“Hàng nghìn cặp vợ chồng với hàng nghìn lần quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm cho thấy không có trường hợp nào lây truyền HIV sang bạn tình khi tải lượng HIV được ức chế”, ông Bandford nói.
Một nghiên cứu khác tại châu Âu với gần 1.200 cặp bạn tình (quan hệ tình dục khác giới, đồng tính nam) cũng cho thấy, với 58.000 lượt quan hệ tình dục không dùng bao cao su cũng cho kết quả tương tự.
Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh, nghiên cứu mới chỉ chứng minh không lây truyền qua đường tình dục chứ không phải tất cả các con đường.
TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ thêm, nếu người mắc HIV được điều trị ngay và tuân thủ điều trị đạt mức ức chế thì hoàn toàn có thể sống như người bình thường, quan hệ tình dục hay sinh con cũng không lây bệnh.
TS Long cho biết, VN hiện có 209.000 người nhiễm HIV, nhưng chỉ có 123.000 người đang điều trị ARV. Trong số các trường hợp được điều trị thì 91% đạt mức ức chế HIV.
ARV là thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự sinh sôi và phát triển của HIV, giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.
Đến nay, thế giới chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng ARV được coi như đặc hiệu, giúp cơ thể duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch.
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu không được điều trị ARV thì tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là khoảng 30-40%; nếu được điều trị và có các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỉ lệ lây truyền chỉ còn dưới 2%.
Điểm nóng Bến Tre: 155 thai phụ nhiễm HIV, nhiều người rất trẻ
Cho đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện 155 ca phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó có nhiều người còn rất trẻ.
Điều trị bệnh HIV/AIDS như thế nào?
Hiện nay việc điều trị HIV/AIDS chỉ có thể là điều trị triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Các giai đoạn của bệnh HIV/AIDS
Bệnh HIV/AIDS có những giai đoạn nào, diễn biến ra sao, chúng phát triển và gây hại đến cơ thể người như thế nào. Bạn đã biết hết chưa?
Phải làm gì khi trong gia đình có người mắc HIV/AIDS để không bị lây nhiễm?
Nếu gia đình bạn có người nhiễm HIV/AIDS, cầm làm gì để không bị lây nhiễm HIV của họ, đồng thời không khiến người bệnh có cảm giác bị bỏ rơi, bị xa lánh hay bị coi thường.
Con đường HIV/AIDS xâm nhập vào cơ thể người?
HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ, tuy nhiên nhiều người vẫn còn chưa hiểu hết về nó. Vậy HIV/AIDS lây qua những con đường nào?
Thúy Hạnh
Comments are closed.