Những Sáng kiến Xanh chữa lành ‘Mẹ đất’

0


BVR&MT – “Tôi lớn lên ở mảnh đất này và từ nhỏ, tôi đã chứng kiến vùng này suy thoái và bị sa mạc hóa. Tuy nhiên, nhờ các dự án trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc, khu vực này đã hoàn toàn thay đổi”.

Vùng đất rộng 600 km2 ở phía Bắc thủ đô Riyadh đã “lột xác” từ vùng hoang mạc thành một địa điểm thiên nhiên. Ảnh: abouther.com

Giám đốc Vườn quốc gia Thadiq (Saudi Arabia), ông Abdullah Ibrahim Alissa chia sẻ đầy tự hào khi đứng trước vùng đất rộng 600 km2 ở phía Bắc thủ đô Riyadh, nay đã “lột xác” từ vùng hoang mạc thành một địa điểm thiên nhiên trong mơ với thảm thực vật xanh tươi và những bụi cây được chăm sóc cẩn thận. Công tác cải tạo công viên nổi tiếng với các thung lũng rộng lớn này bao gồm việc trồng 250.000 cây xanh và 1 triệu cây bụi, cũng như xây dựng thêm các đập nước để hứng những giọt mưa ít ỏi.

Việc cải tạo Vườn quốc gia Thadiq là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm phủ xanh những vùng sa mạc rộng lớn của Saudi Arabia, hướng tới giải quyết các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa và suy thoái đất vốn đang đe dọa các quốc gia trên khắp Tây Á và Bắc Phi. Khoảng 75% đất canh tác trong khu vực đã bị thoái hóa và 60% dân số đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Con số này được dự báo tăng lên vào năm 2050.

Đất đai là một trụ cột cơ bản duy trì sự sống trên Trái Đất, bên cạnh đại dương và khí hậu. Đất đai màu mỡ tạo ra công ăn việc làm, gia tăng thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực. Đất cũng giúp bảo tồn sự đa dạng sinh học và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu nhờ lưu giữ carbon – loại khí khiến Trái Đất nóng lên.

Tuy nhiên, đất đai đang chịu sức ép ngày càng tăng do nạn phá rừng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, hoạt động sản xuất công – nông nghiệp và các biện pháp canh tác thiếu bền vững. Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại khiến tình trạng suy thoái đất trầm trọng hơn khi hạn hán, sa mạc hóa và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang gia tăng về tần suất và cường độ. Theo Liên hợp quốc (LHQ), hơn 2 tỷ ha đất đai trên hành tinh đã bị suy thoái, tác động đến hơn 3 tỷ người và đe dọa vô số các loài động, thực vật. Trong 50 năm qua, diện tích đất khô cằn đã tăng trung bình hơn 1%/năm, ảnh hưởng đến đa số các quốc gia ở châu Phi và châu Á.

Nếu không quản lý đất đai bền vững, thì 95% diện tích đất trên hành tinh sẽ suy thoái vào năm 2050. Giới chuyên gia cảnh báo suy thoái đất sẽ tác động xấu đến an ninh lương thực, nguồn nước và sức khỏe của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp tới 50% dân số và gây thiệt hại gần 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu (khoảng 40.000 tỷ USD).

Phục hồi đất là trụ cột chính trong Thập kỷ về Phục hồi Hệ sinh thái của LHQ giai đoạn 2021-2030, vốn đóng vai trò quan trọng để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lý do Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”. LHQ kêu gọi các quốc gia cùng chung tay hướng tới mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, đẩy lùi quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn cầu.

Với vai trò là nước đăng cai tổ chức Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Saudi Arabia đang triển khai nhiều nỗ lực xanh hóa sa mạc và khôi phục đất đai. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sa mạc hóa đang tích cực hành động ở cấp quốc gia và khu vực thông qua Sáng kiến Xanh Saudi Arabia và Sáng kiến Xanh Trung Đông. Từ tháng 3/2021, Saudi Arabia đã triển khai Sáng kiến Xanh nhằm phục hồi 40 triệu ha đất, hướng tới các mục tiêu chuyển 30% đất đai của vương quốc này thành khu bảo tồn thiên nhiên và trồng 10 tỷ cây xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nước này cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng được 400 triệu cây.

Thông qua Sáng kiến Xanh Trung Đông, Saudi Arabia đang dẫn đầu nỗ lực trồng 40 tỷ cây xanh giảm xói mòn đất, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Kết hợp với Sáng kiến Xanh trong nước, Saudi Arabia hướng tới mục tiêu trồng 50 tỷ cây, tương đương với khoảng 5% mục tiêu trồng cây toàn cầu, sẽ giúp khôi phục tổng cộng 200 ha đất bị suy thoái. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng tích cực phối hợp với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và tham gia Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD) để triển khai Sáng kiến đất đai toàn cầu G20, nhằm giảm bớt 50% tình trạng suy thoái đất đai vào năm 2040.

Tại Israel, quốc gia nhỏ bé với 60% diện tích là sa mạc nhưng lại có thể làm cho sa mạc “nở hoa”. Để giải bài toán thiếu nguồn cung nước, Israel tập trung vào 2 sáng kiến xử lý về nước là tái chế nước và khử mặn. Đồng thời, Israel cũng sử dụng song song các biện pháp như tưới phun, nhà kính, nhà lưới để trồng cây sử dụng ít nước và trồng các giống cây có khả năng chịu hạn…

Tại Trung Quốc, dự án “Bức tường xanh vĩ đại” được triển khai từ năm 1978 nhằm tạo ra một vành đai cây cối và bụi rậm rộng lớn dọc theo rìa phía Bắc của sa mạc Gobi để ngăn sa mạc mở rộng. Các chương trình trồng rừng và tái trồng rừng đang được thực hiện để chống xói mòn đất và sa mạc hóa ở nhiều vùng khác nhau. Chương trình ngũ cốc xanh được phát động từ năm 1999 khuyến khích nông dân chuyển đất nông nghiệp ở vùng đồi dốc thành rừng hoặc vùng đồng cỏ. Nông dân tham gia các nỗ lực trồng cây gây rừng sẽ nhận được trợ cấp hoặc hỗ trợ ngũ cốc.

Tương tự tại Mỹ, nhiều dự án cũng được khởi xướng như Chương trình Dự trữ Bảo tồn khuyến khích nông dân chuyển đất nông nghiệp nhạy cảm về môi trường thành khu bảo tồn nhằm ngăn ngừa xói mòn đất. Chính phủ Mỹ cũng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm những giải pháp sáng tạo cho nông nghiệp bền vững, trong đó có những công nghệ và phương pháp bảo vệ đất đai.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa gần 12 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, được Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia công bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26) ở Anh năm 2021, nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Ở phạm vi toàn cầu, các quốc gia đã cam kết khôi phục 1 tỷ ha đất trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của LHQ. Năm ngoái, liên minh chính phủ các nước Colombia, CHDC Congo, Mexico và Gabon công bố sáng kiến nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 khôi phục 300.000 km sông ngòi bị suy thoái – gấp hơn 7 lần chu vi Trái Đất, và 350 triệu ha các vùng đất ngập nước – lớn hơn diện tích Ấn Độ.

Việc “chữa lành” cho những mảnh đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa. Mỗi USD đầu tư vào công tác phục hồi có thể mang lại tới 30 USD cho sự phát triển hệ sinh thái. Phục hồi đất giúp thúc đẩy sinh kế, xóa đói giảm nghèo và tăng khả năng phục hồi của đất trước thời tiết khắc nghiệt. Phục hồi đất cũng làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi việc sử dụng đất có thể ngăn tới 60% nguy cơ các loài động thực vật tuyệt chủng. Thông điệp của Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhân ngày 5/6 nêu rõ bằng cách khôi phục các hệ sinh thái, chúng ta có thể đẩy lùi 3 cuộc khủng hoảng cấp hành tinh: biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và tự nhiên, cũng như ô nhiễm và rác thải. Đất là sự sống, là tương lai của loài người, do đó con người cần phải bảo vệ “Mẹ đất”.

Vệ sinh công nghiệp Nam Hưng tự hào là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp chuyên nghiệp và chất lượng tại Việt Nam. Với phương châm “Sạch sẽ – Nhanh chóng – Tiết kiệm”, Nam Hưng cam kết mang đến không gian sống và làm việc sạch đẹp, an toàn và thân thiện với môi trường.

Chúng tôi sở hữu đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe từ khách hàng. Dịch vụ của Nam Hưng bao gồm: vệ sinh văn phòng, nhà xưởng, trường học, bệnh viện, vệ sinh kính, sàn nhà, và nhiều dịch vụ khác. Mỗi công trình đều được thực hiện cẩn thận, đảm bảo đạt chuẩn vệ sinh cao nhất.

Leave A Reply